Trường mẫu giáo Minh Tân thực hiện chuyên đề “ Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020
Trường học ở lứa tuổi mầm non là nơi không chỉ tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ vui chơi, học tập mà còn là một môi trường vui tươi, lành mạnh và hấp dẫn, nơi trẻ được đối xử công bằng, được quan tâm chăm sóc, giáo dục, được bảo vệ, được phát biểu ý kiến của mình và tích cực tham gia vào quá trình học tập phát triển toàn diện về các mặt. Lứa tuổi Mầm non “ Trẻ học mà chơi, chơi mà học” thông qua chơi để trẻ lĩnh hội kiến thức. Vì vậy, việc tạo cơ hội cho trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường thân thiện, trẻ sẽ phát triển toàn diện về các mặt thể chất, nhận thức thẩm mỹ, lao động … Xây dựng cảnh quan, môi trường hoạt động trong và ngoài lớp thân thiện rất quan trọng bởi qua các môi trường giáo dục này sẽ có sự hấp dẫn, kích thích trẻ tham gia tìm tòi khám phá, bộc lộ khả năng cá nhân. Vì theo như nhà giáo dục người Ý Maria Montessori đã nói “ Chỉ khi ở trong một Môi trường thuận lợi đứa trẻ mới có cơ hội phát triển đầy đủ và bộc lộ những tính cách tiềm ẩn của mình”. Hiểu được điều đó ngày 25 tháng 01 năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về việc triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu chung “Xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, công tác quản lý, chỉ đạo; hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.
Căn cứ kế hoạch số 08/KH- PGDĐT ngày 14/3/2017 của phòng giáo dục đào tạo huyện Dầu Tiếng về việc triển khai chuyên đề “ Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020. Từ năm học 2016 - 2017 trường mẫu giáo Minh Tân đã xây dựng kế hoạch chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm các lớp. Dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng, các đồng chí cán bộ, giáo viên đã đoàn kết chung tay cùng nhau thiết kế môi trường cho trẻ hoạt động và vui chơi hàng ngày. Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ truyền đạt kiến thức cho các con một cách thụ động mà các cô giáo tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Để đạt được điều này, các giáo viên trong trường cần am hiểu được tâm lý, sở thích của từng trẻ khi hứng thú tham gia các trò chơi, biết được nhu cầu, khả năng của từng trẻ trong lớp mình. Trên cơ sở đó giáo viên đã lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng lớp, từng cá nhân trẻ.
Sau khi được tập huấn chuyên đề Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tập huấn cho giáo viên giúp giáo viên nắm bắt được những định hướng, cách thức thực hiện chuyên đề. Xây dựng mô hình điểm ở các lớp, tuyên dương những cá nhân tiên phong trong phong trào xây dựng thiết kế môi trường theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Khen thưởng kịp thời những giáo viên có những tiết dạy sáng tạo giúp trẻ hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động. Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là tổng hợp những điều kiện tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
Do vậy khi thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm phải đảm bảo các nội dung sau:
+ Môi trường giáo dục: Đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của GV đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo. Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, đảm bảo an toàn cho các hoạt động giáo dục của trẻ. Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện.Tạo những điều kiện, cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.
Sắp xếp, phân khu chơi ngoài trời trong trường MG Minh
|
Trẻ được tham gia các hoạt động học lồng ghép, sáng tạo
|
+ Xây dựng kế hoạch giáo dục: Kế hoạch giáo dục của đơn vị thể hiện mục tiêu giáo dục, phạm vi và mức độ, nội dung giáo dục trẻ, các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ. Thể hiện các mục tiêu cụ thể phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, thời điểm phù hợp và theo Chương trình GDMN. Thể hiện nội dung giáo dục theo Chương trình GDMN và có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương, trường/lớp. Không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kĩ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ. Thể hiện tính tích hợp, tạo sự gắn kết, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động GD bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau.
+ Tổ chức hoạt động giáo dục: Phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm thay đổi và cá thể hóa đối với những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ. Tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình. Giáo viên tổ chức, điều khiển, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ. Khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ.
Trẻ được tham gia các hoạt động lễ hội
|
+ Đánh giá sự phát triển của trẻ: Đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá kết quả GD trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về cách thức và tốc độ học tập và phát triển riêng. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
+ Sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm: Đa dạng các hình thức, hoạt động tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa GV, nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng CS-GD trẻ. Kịp thời thông tin đến gia đình về những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ. Có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lí của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ. Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Phụ huynh,công an, quân sự, đoàn thanh niên cùng nhà trường cải tạo môi trường tại trường mẫu giáo Minh Tân
Vườn rau được phụ huynh đóng góp kinh phí và ngày công xây dựng
Toàn cảnh sân trường sau khi được cải tạo đã có nhiều thay đổi tích cực
Phụ huynh tích cực tham gia cùng nhà trường trong các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ
Tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020 tại trường mẫu giáo Minh Tân đã cho thấy những kết quả đáng tự hào. Môi trường giáo dục được quan tâm cải tạo, có những chuyển biến mới mẽ trong nhà trường. Môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, an toàn đã tạo được lòng tin cho phụ huynh gửi con tới trường. Chuyên đề cũng giúp cán bộ quản lý và giáo viên có cái nhìn mới mẽ hơn trong phương pháp giáo dục một cách hiệu quả thông qua việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích, khả năng và nhu cầu của trẻ từ đó giúp trẻ phát triển hết khả năng và năng lực sáng tạo của bản thân tạo tiền đề cho trẻ vào lớp 1.