- Cúm A (H5N1) là gì?
H5N1 là một phân nhóm virus cúm A (Influenza A virus), thường xuất hiện ở chim và gia cầm. Giống như tất cả các loại virus cúm khác, virus A/H5N1 lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.
- Nguyên nhân gây bệnh Cúm A (H5N1)
Cúm gia cầm A (H5N1) (avian influenza) là bệnh cúm do virus cúm A (H5N1) gây ra cho các loài chim, động vật có vú và con người. Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân gây bệnh cúm A (H5N1) cho cộng đồng, cụ thể:
– Việc sinh sống gần các trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus dễ lây nhiễm.
– Một số chợ trời, nơi bán trứng và gia cầm nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể là nguồn bệnh lây lan cho cộng đồng.
– Ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín.
* Týp cúm A, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:
– Đột biến nhanh và chứa các gen từ các loài động vật khác nhau.
– Bệnh có khả năng gây bệnh nặng ở người.
– Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường phân – miệng, do đó làm tăng tính lây nhiễm theo các đàn chim di cư.
– Virus có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.
– Khả năng tái tổ hợp nhiều gen virus và có thể lây dễ dàng từ người sang người, gây đại dịch ở người.
– Khả năng tồn tại rất cao ở môi trường bên ngoài.
- Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A H5N1
Người nhiễm virus cúm A H5N1 thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bản bệnh cúm A/H5N1 cần lưu ý:
– Sốt cao liên tục trên 380C.
– Cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc.
– Đau ngực, tim đập nhanh.
– Đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm.
Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng do A/H5N1 trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.
Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiếm gặp hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng khác nhau ở mỗi người mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
Theo những thông tin trên, Nhà trường đã nghiêm túc triển khai và chủ động trong công tác phòng, chống dịch Cúm lây từ Gia Cầm sang người, đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Cúm A (H5N1) trong trường với các nội dung chi tiết và cụ thể như:
– Thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo ATTP, chỉ sử dụng các sản phẩm Gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y.
– Thực hiện tốt các hoạt động của phòng, dịch bệnh tại trường học, đặc biệt là vệ sinh trường, lớp, đảm bảo nước sạch, xà phòng rửa tay cho học sinh.
– Tăng cường tuyên truyền đến viên chức, người lao động và cha mẹ trẻ về phòng, chống dịch bênh cúm A (H5N1).
Căn cứ vào các kế hoạch phòng chống dịch bệnh đề ra, tại các lớp học, các cô giáo thường xuyên quan tâm lau rửa đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh lớp học hàng ngày, và vệ sinh trong và ngoài lớp nhằm đảm bảo môi trường thoáng mát, sạch sẽ cho trẻ vui chơi.
Giáo viên thực hiện rữa đồ chơi với dung dịch và phơi nắng hàng tuần.
Xác định trong môi trường tập trung đông trẻ, lại là thời điểm giao mùa đang phát sinh nhiều dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, đau mắt đỏ, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, tiêu chảy … và nhất là cúm A H5N1.
Các cháu đến lớp được giáo viên hướng dẫn những kĩ năng cơ bản, giúp đỡ để trẻ có thể thực hiện việc tự vệ sinh cá nhân, biết cách rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, biết lau miệng, đánh răng sau bữa ăn, biết giữ vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh thân thể hàng ngày…
Trẻ rữa tay với xà phòng và đánh răng sau khi ăn
Ngoài ra các giáo viên còn chú ý chăm sóc và theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày. Khi phát hiện cháu nào có dấu hiệu ốm, mệt, có triệu chứng của một số bệnh như: mệt mỏi, tức ngực, khó thở….các cô giáo đã kịp thời thông báo cho phụ huynh biết, cho trẻ nghỉ ở nhà để chăm sóc và phòng tránh lây lan sang các bạn trong lớp.
Cùng với việc chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ thông qua các hoạt động vệ sinh hàng ngày. Nhà trường còn chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn nhằm góp phần tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng để phòng, chống dịch bệnh. Đoàn thanh niên nghiêm túc thực hiện tổng việc vệ sinh toàn trường vào chiều thứ 2 hàng tuần như: quét sân, nhổ cỏ vườn trường, rữa đồ chơi ngoài trời… Bên cạnh đó nhà trường thực hiện truyền thông phát thanh vào 16h00 hằng ngày vào giờ trả trẻ.
Đường Link video khuyến cáo của Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương
(http://t5g.org.vn/uploads/files/video/2022/pc_cum_ah5.mp4)
Ngoài ra nhà trường còn thực hiện khuyến cáo phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người theo khuyến cáo của bộ y tế ở bản tuyên truyền của trường với các nội dung:
(1) Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống sôi;
(2) Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc;
(3) Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn;
(4) Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị;
Khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Cúm lây từ gia cầm sang người
Việc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịnh bệnh trên đã giúp Trường Mầm non Minh Tân luôn có một môi trường Xanh – sạch – đẹp. Đến thời điểm hiện tại Trường Mầm non Minh Tân chưa để xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, 100% trẻ đều được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần.
Nhân viên y tế: Hồ Thị Hương