Trường Mầm non Minh Tân

https://mgminhtan.dautieng.edu.vn


Tài liệu tập huấn " Sơ cấp cứu, cấp cứu ban đầu các tai nạn thương tích và bệnh lý của trẻ

Tài liệu tập huấn " Sơ cấp cứu, cấp cứu  ban đầu các tai nạn thương tích và bệnh lý của trẻ
TÀI LIỆU TẬP HUẤN SƠ CỨU, CẤP CỨU BAN ĐẦU  CÁC TAI NẠN THƯƠNG TÍCH  VÀ BỆNH LÝ CHO TRẺ EM



 
Nhân viên y tế: Hồ Thị Hương
Trường Mẫu giáo Minh Tân

I. MỤC TIÊU
Biết xử trí ban đầu cho những tình huống sơ, cấp cứu xảy ra đối với học sinh trước khi chuyển đến bệnh viện

II. Nội Dung
  • Cấp cứu ngưng thở ngưng tim ( ép tim thổi ngạt)
  • Sơ cứu ban đầu khi bị gãy xương
  • Sơ cứu ban đầu Bỏng
  • Cách xử lý khi trẻ bị trầy xước hoặc rách da.
  • Sơ cứu dị vật đường thở
  • Xử trí khi trẻ bị ngộ độc
  • Sơ cứu ban đầu Chảy máu cam
  •  Sơ cứu ban đầu  Điện giật
  • Xử trí trẻ bị sốt cao co giật
  • Cấp cứu đuối nước




I. QUY TRÌNH SƠ CẤP CỨU ÉP TIM THỔI NGẠT
 
 
* Cách tiến hành như sau:
Để cấp cứu được trẻ tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi trẻ bị ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn


* Bước 1: Đặt trẻ nằm trên 1 mặt phẳng, đồng thời gọi người trợ giúp.
* Bước 2: Kiểm tra các dấu hiệu của việc ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp: Áp mặt vào ngực trẻ, bắt động mạch cảnh (cổ),... móc dị vật nếu có.
- Ngửa mặt trẻ tối đa, 1 tay giữ cầm trẻ, ngón trỏ và ngón cái của bàn tay còn lại bịt mũi trẻ, hốc bàn tay giữ ở đầu trẻ để miệng trẻ mở ra.
* Bước 3: Sử dụng phương pháp thổi ngạt miệng - miệng: 2 lần thổi hít thở sâu để cung cấp được nhiều ôxy cho trẻ.
* Bước 4: Ép tim ngoài lồng ngực tiến hành ngay khi thổi ngạt xong.
+ Vị trí ép tim: một phần hai dưới xương ức hay một khoát ngón tay trên mũi ức.
+ Đối với trẻ nhỏ dùng gót bàn tay của một tay ép lên vị trí ép tim
+ Đối với trẻ lớn dùng cả hai tay ép
+ Tần số ép tim 100 lần /phút. Phương pháp một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Nếu có 2 người cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt
- Trẻ có biểu hiện hô hấp, tuần hoàn trở lại, da không tím tái
- Lau khô, ủ ấm khẩn trương chuyển đến bệnh viện gần nhất. Trên đường đi chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn.


II. QUY TRÌNH SƠ CẤP CỨU CỐ ĐỊNH GÃY XƯƠNG
CẲNG TAY
 
 
Quy trình cố địch tạm thời gãy xương chi tiết (Đối với gãy xương kín xương cẳng tay)
Mục đích:
- Giảm đau, phòng ngừa sốc.
- Giảm bớt nguy cơ gây thêm các thương tổn mạch máu, thần kinh, cơ, da…
1: Chuẩn bị dụng cụ: (Khẩn trương và gọi người trợ giúp) 2 nẹp:
                - 1 nẹp dài từ nếp gấp khuỷu tay xuống bàn tay
                - 1 nẹp dài quá khuỷu tay đến quá bàn tay
                - Băng vải
                - Khăn tam giác hoặc gạc cuộn
                - Bông gạc
2: Tiến hành (nhẹ nhàng, chính xác tránh tổn thương thêm)
                - Đưa trẻ đến nơi an toàn, động viên, dỗ dành trẻ
                - Để cẳng tay trẻ vuông góc với cánh tay về phía trước mặt
                * Bước 1 :   - Đặt 1 nẹp phía trên từ nếp gấp khuỷu tay đến bàn tay
                                    - Đặt 1 nẹp phía dưới từ quá khuỷu tay đến quá bàn tay
                * Bước 2 :   - Lót bông  vào các đầu nẹp, chỗ xương nhô ra
                * Bước 3 :   - Buộc 1 dây cố định trên ổ gãy
                                    - Buộc 1 dây cố định dưới ổ gãy
                                    - Thường xuyên quan sát sắc mặt trẻ
                * Bước 4 :   - Dùng khăn tam giác hoặc gạc cuộn buộc đỡ cẳng tay vuông góc với thân, bàn tay cao hơn khuỷu và úp vào thân.

3: Đánh giá: Trẻ được cố định đúng quy trình, không tổn thương thêm và đưa đến bệnh viện an toàn trong thời gian nhanh nhất.



III. QUY TRÌNH SƠ CẤP CỨU BỎNG
 
     Khi bị bỏng phải sơ cứu nhanh và khẩn trương tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 
- Bỏng nước sôi: Nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút, việc làm này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng, tránh các viêm nhiễm.
+ Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn vào vết bỏng.
+ Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Bỏng do lửa cháy: Đầu tiên nên dùng nước hoặc cát, áo khoác, chăn hoặc vải bọc kín… để dập tắt lửa cháy.
+ Xé bỏ phần áo quần đang cháy âm ỉ.
+ Nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút.
+ Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng.
+ Trong trường hợp vết bỏng nhẹ, diện tích bỏng ít thì có thể chăm sóc tại nhà. Nếu vết bỏng nặng, diệc tích bỏng lớn thì cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.
- Bỏng hóa chất:
+ Phải tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý không dùng tay trần.
+ Rửa ngay, rửa liên tục bằng nước càng nhiều càng tốt, nếu không các tổ chức ở vùng bỏng sẽ bị hoại tử hoàn toàn.
+ Nếu vết bỏng chảy nhiều máu thì phải xử trí như một vết thương chảy máu.
+ Chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở điều trị.
- Bỏng điện: Ðiện giật hoặc sét đánh có thể gây bỏng rất sâu, một số bệnh nhân bị bỏng điện thì cơ thể cũng bị ngừng tim do dòng diện đánh vào tim. Do vậy phải tiến hành cấp cứu ngừng tim ngay nếu nạn nhân bị ngừng tim rồi mới sơ cứu vết bỏng sau. Nhưng trước khi tiến hành sơ cứu phải:
+ Ngắt điện, nếu không thể ngắt điện được thì phải gỡ nạn nhân ra khỏi sự tiếp xúc với điện (phải dùng vật cách điện: cao su, gậy gỗ khô để gỡ hoặc kéo nạn nhân).
+ Sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo. Khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.
Lưu ý:
Tuyệt đối không ngâm rửa vết thương hay đắp vết bỏng bằng nước đá, đá lạnh vì vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn.
- Không nên dùng các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, lá cây... hoặc bất kỳ chất nào thoa vào vùng bỏng vì dễ gây nhiễm trùng cho nạn nhân.
- Không làm loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt phỏng vì làm như vậy thì có khả năng gây nhiễm trùng cao.



IV. XỬ TRÍ VẾT THƯƠNG BỊ TRẦY XƯỚC
 
Bước 1. Để vết thương dưới vòi nước chảy liên tục, vừa giúp giảm đau vừa làm trôi đất cát bẩn vương vãi trên da bị xây xát.  Tuyệt đối không dùng nước oxy gìa để rửa vết thương vì nó sẽ làm tổn thương các tế bào lành dưới lớp da tổn thương, làm chậm quá trình lành vết trầy xước. Cũng không được chà xát lên vết thương, sẽ làm vết thương thêm lan rộng và tổn thương nặng hơn.


Bước 2. Rửa lại vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.
Bước 3.  Nếu là vết thương trầy xước nhẹ ngoài da, có máu rỉ ra thì nên để hở cho vết thương mau khô, nếu máu chảy nhiều thì dùng gạc khô băng lại vết thương. Mục đích là giữ ẩm trên bề mặt vết xây xát da, giúp không đau, da vẫn thoáng, vết thương mềm mại không đóng vảy khô, hạn chế sẹo xấu.
-  Thay băng hằng ngày. Khi lấy gạc cũ nên tưới nước muối sinh lý. Nếu vết thương dơ, viêm đỏ nên đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng, cho kháng sinh, kháng viêm thích hợp.
 

 
 
 


VI. CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
 
* Các dấu hiệu khi bị ngộ độc thực phẩm:
- Đau bụng, buồn nôn hay nôn, có thể nôn ra thức ăn hoặc toàn nước, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, có khi lẫn máu thì  hãy nghĩ ngay đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.
- Ở trẻ nhỏ có biểu hiện sốt cao, trẻ lớn hơn thường không sốt hoặc sốt nhẹ hơn.
- Nếu nôn và đi cầu nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, một biểu hiện nặng thường dẫn đến trụy tim mạch; dấu hiệu trẻ mất nước là hay bị khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, mạch nhanh có thể bé bị co giật, nước tiểu ít và sẫm màu. Trường hợp ngộ độc nặng, xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
* Cách xử trí:
- Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn Ngừng ngay, không cho trẻ ăn món đó nữa.
- Đặt trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
- Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
- Bổ sung oresol cho bé. Nôn mửa, đi ngoài nhiều khiến các bé mất nước và rối loạn chất điện giải, cơ thể mệt lả. Vì vậy cần bổ sung đầy đủ nước và chất điện giải nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý:
– Trong trường hợp trẻ bị hôn mê tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì như vậy sẽ rất dễ gây sặc thức ăn hoặc tắc thở.
– Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời hảy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ rửa ruột và làm tiến hành các điều trị cần thiết.
– Tuyệt đối không cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn bị tống hết ra ngoài hoặc tiêu hóa hết thì bệnh sẽ khỏi.


VII. SƠ CỨU KHI BỊ CHẢY MÁU CAM




Cho trẻ ngồi thẳng, vị trí dễ chịu, hơi nghiêng người về phía trước
Bước 1: Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.
Bước 2: Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Không bóp phần xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía.
Bước 3: Bóp chặt cánh mũi trong 10 phút, dùng đồng hồ để xem giờ cho chính xác. Trong khi chờ đợi, cho trẻ đọc sách hay xem tivi. Đừng thả tay quá thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa. Máu cần thời gian để tạo cục máu đông. Thả tay quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể khiến máu chảy kéo dài.
- Nếu muốn, có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Chỉ nên áp dụng biện pháp này nếu trẻ đồng ý phối hợp.
- Hướng dẫn trẻ nhổ máu tích tụ trong miệng vì nuốt máu có thể gây nôn.
- Cho trẻ uống chút nước mát để đỡ căng thẳng và tẩy bớt mùi máu trong miệng.
- Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa.
Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì nhắc lại các bước trên một lần nữa

VIII. CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ ĐIỆN GIẬT
Tai nạn điện giật rất nguy hiểm vì người bị điện giật không thể tự rút tay hoặc bứt cơ thể khỏi nơi chạm vào điện nên nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao. Trẻ em rất hiếu động và tò mò, trong khi chơi đùa, trẻ dễ sờ vào các thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, nồi cơm, quạt.
 

 Cần xử trí như sau:
- Trước hết cần phải bình tĩnh, đừng hốt hoảng và kêu mọi người xung quanh giúp đỡ.
- Việc đầu tiên phải làm là ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao điện…Không nên chạm vào trẻ bằng tay trần trong khi trẻ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện và không được đi vào khu vực rò điện có nước nếu không chính bạn cũng có thể bị điện giật. Để tách trẻ khỏi nguồn điện, bạn nên sử dụng một đồ vật không làm bằng kim loại và không dẫn điện như que gỗ hay chổi…
- Nếu trẻ còn tỉnh: an ủi trẻ để trẻ yên tâm. Nếu thấy trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương phỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngưng tim ngưng thở. Khi thấy trẻ ngừng thở ngừng tim phải tiến hành hà hơi thổi ngạt – ép tim ngoài lồng ngực: làm ngay theo các bước sau, phải kiên trì, không được vận chuyển đi nơi khác khi trẻ chưa tỉnh.
+ Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực. Đặt trẻ lên nền cứng (ván cứng, mặt đất), nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc trên người làm cản trở hô hấp.
+ Hà hơi thổi ngạt: Quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu trẻ. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân. Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp.
Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh để tránh làm tổn thương phổi.
Nếu có vết phỏng do điện: cởi bỏ quần áo và rửa vùng bị phỏng dưới vòi nước lạnh cho tới khi cơn đau dịu xuống rồi băng lại bằng băng, gạc .
 Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.


IX. CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ SỐT CAO CO GIẬT

1. Nguyên nhân của sốt cao co giật ở trẻ em

Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người ta chia sốt cao, co giật ra làm ba dạng sau: Sốt cao, co giật nhẹ; sốt cao, co giật nặng và động kinh.
a. Sốt cao, co giật nhẹ: Những trẻ bị sốt cao, co giật nhẹ cơn co giật thường kéo dài 15 phút, trẻ không có dấu hiệu thần kinh cục bộ và cơn co giật chỉ diễn ra một lần. Ở thể nhẹ bệnh thường tự khỏi, 90% ca không để lại bất cứ di chứng nào.
b. Sốt cao, co giật nặng: Sốt cao, co giật nặng thường do sốt kèm các triệu chứng như: Cơn co giật kéo dài trên 15 phút, vận động cục bộ ở não, dẫn đến (liệt sau cơn co giật). Ở thể nặng, trẻ thường bị trên 1 cơn co giật trong vòng 24 giờ. Khi bị sốt cao co giật nặng, hệ thần kinh của trẻ sẽ bị tổn thương, có 7% ca bị sốt cao co giật phức tạp bị suy giảm thần kinh, dẫn đến bị động kinh.
c. Sốt cao, động kinh: Trẻ sốt cao, động kinh, các cơn co giật diễn ra nhiều lần. Một nghiên cứu mới  có 8% trường hợp cơn co giật kéo dài trên 15 phút, 4% cơn co giật kéo dài 30 phút và 25% trường hợp sốt cao động kinh.
Thông thường ở trẻ nhỏ, co giật nửa người sau đó tự khỏi hoặc nếu không điều trị kịp thời có thể gây liệt nửa người. Ở những trẻ do sốt cao động kinh, thường biến chứng thành liệt cứng hoặc động kinh cục bộ vận động.
Khi trẻ bị sốt cao động kinh sẽ làm hoại tử vỏ não, hạch nền, tiểu não, hoại tử cấu trúc thùy thái dương và đồi thị vô cùng nguy hiểm cho trẻ.
2. Cách sơ cứu tại nhà khi trẻ bị sốt cao, co giật
Bước 1: Khi trẻ bị sốt cao, co giật, cha mẹ nhanh chóng đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng, nằm nghiêng tạo không khí thông thoáng, nới quần áo của trẻ rộng ra, đặc biệt là vùng cổ hoặc có thể cởi hết quần áo của trẻ.

- Dùng vật đè lưỡi khi bé đã lên cơn co giật và có cắn chặt hàm với nhau, không đưa cây đè lưỡi vào quá sâu bên trong gây nôn ói, tránh các động tác thô bạo gây gãy răng, chảy máu, dập môi. Nếu con trẻ không cắn chặt hàm thì không cần làm động tác này.
Khi trẻ bị sốt hãy chườm nóng cho bé
Bước 2: Sau đó dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt sạch nước và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, cổ trẻ và trán, lau đi lau lại liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật thì dừng lại.
Bước 3: Khi bị sốt cao, co giật trẻ không thể uống được thuốc hạ sốt nên phải nhanh chóng đặt thuốc hạ sốt bằng đường hậu môn, đối với trẻ 2 dưới 2 tuổi dùng viên viên paracetamol 80mg, trẻ lớn dùng viên 150mg.
Bước 4: Khi trẻ hết cơn co giật, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng sang một bên, đầu kê gối ở vị trí an toàn, đầu ngửa ra sau và nghiêng về một bên để đường thở khỏi bị tắc và dịch trong miệng có thể chảy ra ngoài
Bước 5: Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm phòng tránh cơn co giật tái phát.

Lưu ý:
- Nên cho trẻ uống thật nhiều nước, hoặc chất điện giải bù nước.
- Cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ thường xuyên

- Khi trẻ bị sốt cao không được ghì chặt trẻ vì có thể làm tổn thương một bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc làm gãy xương trẻ.
- Mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vì có thể khiến trẻ bị sặc.
- Tuyệt đối không dùng vật cứng để ngang miệng để ngăn trẻ cắn lưỡi vì trẻ bị sốt co giật ít cắn lưỡi. Mà việc này ngược lại còn làm tổn thương niêm mạc, làm gãy răng, sứt lợi trẻ.
- Không ủ ấm hay mặc thêm quần áo cho con mà nên nhanh chóng làm mát cơ thể bằng cách nới rộng quần áo, đặt trẻ ở phòng thoáng mát.
 
        
 
X. CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ ĐUỐI NƯỚC
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Sau đó, người cấp cứu dùng tay quàng qua nách để dìu nạn nhân lên bờ rồi gọi thêm người giúp đỡ.

Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hà hơi thổi ngạt.
 
                 Các bước sơ cấp cứu
Cách thực hiên như sau: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
Cách tiến hành như sau: Vị trí ép tim nằm ở 1/2 dưới xương ức.
- Đối với trẻ nhỏ chỉ dùng gót bàn tay của một cánh tay để ép lên vị trí tim. Còn với những trẻ lớn dùng cả hai tay để ép lồng ngực như sau: hai tay chồng lên nhau sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tần suất 100 lần/phút. Có thể ước lượng bằng cách 1 lần đếm là một lần ép tim. Ép tim 5 lần, thổi ngạt 1 lần.
Ép tim ngoài lồng ngực
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ.
Những điều cần tránh khi sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước
 
- Dân gian thường có thói quen dốc ngược nạn nhân hoặc vác nạn nhân lên vai rồi chạy với mục đích để nước và dị vật nhanh chóng được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên đây là cách xử lý không đúng. Vì cách này sẽ làm mất đi thời gian hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân.
 
- Trên thực tế nước trong phổi không nhiều như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nước sẽ được đẩy ra ngoài nhanh hơn trong quá trình hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Tăng cơ hội cứu sống nạn nhân cao hơn là vác nạn nhân chạy.
Một số lưu ý phòng tránh đuối nước cho trẻ
1. Đối với trẻ nhỏ:
  • Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
  • Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
  • Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào
  • Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
  • Khi cho trẻ xuống bể bơi dù là trong nhà, hay các bể bơi tại các trung tâm, thì các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi cho con dùng phao; vì khi cho con dùng phao, cả các bậc phụ huynh lẫn trẻ nhỏ đều có một cảm giác an toàn giả tạo và rất dễ trở nên lơ đãng, bất cẩn.
Dạy bơi cho trẻ để tránh đuối nước
2. Đối với trẻ lớn:
  • Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
  • Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
  • Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
  • Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây