Bài tuyên truyền " Phòng chống bạo hành trẻ em trong trường học"

Thứ tư - 28/04/2021 08:35
Bài tuyên truyền " Phòng chống bạo hành trẻ em trong trường học"
BÀI TUYÊN TRUYỀN 
PHÒNG, CHỐNG BẠO HÀNH TRẺ TRONG TRƯỜNG HỌC
 
          Trong những năm gần đây bạo hành nói chung và bạo hành trong nhà trường đối với trẻ em nói chung đang có những chiểu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Hậu quả của bạo hành trẻ gây tác động lâu dài cả về mặt thể xác và tinh thần của các em. Đây là điều rất đáng lo ngại, là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu về bạo hành trẻ như sau:
I. BẠO HÀNH TRẺ
1. Thế nào là bạo hành
          Là bất cứ hành động, lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
2. Bạo hành đối với trẻ em là các hành vi sau
- Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Hành hạ, ngược đải, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.
- Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt làm những việc trái đạo đức xã hội.
- Cưỡng ép lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và những công việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.
 

- Để trẻ chứng kiến bạo hành gia đình.

Hậu quả của hành vi bạo hành - Để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em
+ Về thể chất: Đau đớn, thương tích, ảnh hưởng xấu đến phát triển cơ thể.
+ Về trí tuệ: Học hành giảm sút, chậm phát triển trí tuệ.
+ Về hành vi: Thụ động, ngại giao tiếp, rối loạn hành vi, hung hăng, cư xử bạo
lực với ngưới khác
+ Về tâm lý: Mặc cảm, tự ti, mất lòng tin, thờ ơ, né tránh, gây rối nhiễu tâm lý.
     Làm xói mòn đạo đức gia đình và xã hội, gây bất ổn hoặc tan vỡ gia đình, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn của cộng đồng và xã hội
3. Một số biểu hiện của trẻ em bị bạo hành + Trên cơ thể:
- Vết thâm tím, trầy xước; vết thương xuất hiện ỡ những chỗ thường khó có thương tích khi bị ngã; vết thương đang lên da non, vết sẹo, vết trầy xiết…
- Vết bỏng do thuốc lá hoặc bàn là, nước sôi, xuất hiện ở nhiều chỗ trên cơ thể.
- Vết gãy, vỡ rạn xương…
 
+ Về tâm lý, thái độ và hành vi:
     Trẻ sợ hãi, hoảng loạn, né tránh tiếp xúc, có hành vi tự hủy hoại mình, kết quả học tập sút kém.
 

  4. Thông báo hoặc tố giác các trường hợp trẻ em bị bạo hành:
- Vì lương tâm và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, mọi cá nhân, gia đình, trẻ em và cộng đồng hảy thông báo, tố giác cho người/cơ quan có trách nhiệm nếu nghi ngờ, phát hiện, chứng kiến trường hợp trẻ em bị bạo lực.
- Cần thông báo, tố giác kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin có liên quan đến trẻ em bị bạo hành và đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em.
- Không tố giác sai sự thật về trường hợp trẻ em bị bạo hành để làm hại người
khác.
- Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
          Gia đình và nhà trường cần phải quan tâm củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, nghiêm cấm các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực. Nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp tục thúc đẩy phong trào Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng gia đình văn hóa. Loại bỏ các hành vi bạo hành ra khỏi đời sống gia đình. Nâng cao kiến thức bảo vệ cuộc sống trẻ em và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em tại gia đình.
          Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Xác định rõ vai trò, vị trí của người giáo viên, quyền hạn và trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức trẻ, đảm bảo song song việc dạy chữ và dạy làm người. Nhà trường và cô giáo phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe giáo dục trẻ.
          Xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, thực hiện tốt nội dung cuộc vận động 
“ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC  ”.

5. Dạy con 5 kỹ năng cơ bản để phòng tránh
-  Né tránh: Tảng lờ lời công kích; không trao đổi ánh mắt; đếm từ 1 đến 5, hít một hơi thở sâu, bỏ đi thật nhanh.
- Đàm phán với sự thân thiện: Nói với giọng bình tĩnh, tốc độ chậm, rõ ràng;nhìn thẳng khi nói chuyện.
 - Đàm phán với sự cương quyết: Giọng nói quyết đoán, tông cao; Nói với kẻ bắt nạt bằng các mệnh lệnh chủ động như: "Dừng lại ngay! Bạn đang làm tôi đau! Tôi không thích những gì bạn đang làm với tôi!". Không sử dụng các mệnh lệnh bị động như: "Đừng đánh tôi! Xin hãy tha cho tôi!".
  Cảnh báo hậu quả nếu hành vi bạo lực tiếp diễn: "Tôi sẽ báo với cô chủ nhiệm và bố mẹ của tôi ngay!".
- Tìm sự hỗ trợ khẩn cấp: Cố gắng đứng thẳng, đầu ngẩng cao, dáng điệu tự tin (người rướn về phía trước, mắt mở to, nhìn thẳng không chớp); Đi nhanh đến một nơi có đông người hơn; Trong trường hợp không thể chống cự, cuộn tròn người để bảo vệ vùng ngực, bụng, hai tay che theo hình khiên để bảo vệ bộ phận đầu và tai.. - - Báo cáo: Thông báo ngay với một người đáng tin cậy như người thân trong gia đình, thầy cô giáo, hàng xóm, bạn thân… về sự việc; Thông báo với bất kỳ người ngoài cuộc nào đang có mặt tại hoặc gần hiện trường: bảo vệ nhà trường, bác lao công, người đi đường, bạn cùng lớp…
* Làm sao để biết con là nạn nhân của bạo lực học đường?
-  Dù con không nói, hành vi bạo lực thường để lại dấu hiệu rõ rệt mà phụ huynh có thể quan sát thấy từ con em mình:
+ Xuất hiện các vết thương, bầm tím không rõ nguyên nhân.
+ Sinh hoạt bất thường, kém ăn, khó ngủ hoặc ngủ li bì.
+ Sức khỏe thay đổi, ốm, sốt, xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, dễ bị hoảng loạn (la hét, ác mộng, giật mình).
+ Không muốn đến trường.
+ Từ chối chia sẻ về bạn bè hay các hoạt động diễn ra tại trường lớp.
+ Từ chối tham gia các hoạt động của gia đình, nhà trường, cô lập bản thân và chỉ muốn ở một mình.
+ Buồn bã, tức giận, lo âu, sợ hãi vô cớ.
+ Tự làm đau bản thân (cắt tay, đập đầu, đấm vào tường, tự đốt bản thân…)
* Làm gì khi phát hiện con là nạn nhân của bạo lực học đường?
- Hãy giúp con lên tiếng và là đại diện cho tiếng nói của con nhanh nhất và sớm nhất có thể.
- Chọn một không gian yên tĩnh, thân thuộc mà con yêu thích hay cảm thấy an toàn để nói chuyện với con.
- Sử dụng các câu hỏi mở để giúp con chia sẻ được thông tin như: Sự việc xảy ra từ khi nào? Sự việc diễn ra như thế nào? Sự việc khiến con cảm thấy ra sao? Những gì con muốn làm để giải quyết sự việc? Làm thế nào để bố/mẹ có thể giúp con?
- Không sử dụng các câu hỏi đóng như: Con có bị đánh không? Có phải bạn A đánh con không? Con đã làm gì sai để bị bạn đánh, phải không?
- Giải thích cho con về hệ thống bảo hộ mà nhà trường có thể hỗ trợ ngay sau khi con thông báo với thầy cô, bạn bè.
- Khẳng định với con rằng người lớn sẽ ở bên cạnh con và con sẽ không phải đương đầu với sự việc một mình.
- Nhanh chóng thông báo với thầy cô, nhà trường, các cơ quan chức năng, giới truyền thông. Cung cấp đầy đủ chính xác diễn biến sự việc với thái độ bình tĩnh, mạch lạc. Đừng đổ lỗi ngay cho giáo viên hay các nhà chức trách - họ có thể không biết hết chuyện gì đang xảy ra và đang cần những thông tin đầu tiên từ phía gia đình.
- Yêu cầu nói chuyện với cha mẹ của các bên liên quan. Luôn nhớ rằng người thực hiện hành vi bạo lực cũng là một đứa trẻ.
          Hãy chung tay để đẩy lùi, bài trừ bạo hành học đường. Vì đây không chỉ là trách nhiệm của tôi, của bạn, của trường học, của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
II. XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

 
1. Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em
- Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
2. Đối tượng xâm hại
- Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
- Người không quen biết.
- Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
3. Các mức độ xâm hại tình dục
- Động chạm, sờ mó vào cơ thể hay những vùng nhạy cảm của chúng ta
- Phô trương làm thỏa mãn.
- Quan hệ, bị xâm hại tình dục nghiêm trọng.
4. Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục
- Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
- Hay bị giật mình, thoáng vui, thoáng buồn, khóc lóc, gặp ác mộng…
- Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…
- Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu, hay có dịch nhầy.
5. Tác hại của việc xâm hại tình dục
- Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ.
- Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
- Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
- Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
- Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
6. Các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại:
- Không để trẻ đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không để trẻ ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà của người lạ.
- Không đi nhờ xe người lạ hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.
- Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
- Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
7. Phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục
- Nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…
- Không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện.
- Có thể nói dối để thoát khỏi nguy hiểm.
- Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
- Gọi điện cho cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113…
8. Những biện pháp giúp trẻ tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
- Bố mẹ Bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
- Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
- Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu".    Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe.     Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra. Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
Đứng ngay dậy; Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ.
Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người …(Có thể nhắc đi nhắc lại).
Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ.
Nếu bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.
9. Cách xử lý khi bị xâm hại tình dục
- Cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng.
- Tùy vào mức độ của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể nói chuyện với con về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định.
- Không để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
- Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
- Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
- Không làm ầm ĩ và quá lên mức độ trầm trọng của việc sẽ khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn.
- Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những trẻ em khác.
Qua bài tuyên truyền, mong rằng  Phụ huynh có một số kỹ năng giúp trẻ phòng tránh bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó các em biết cách phòng tránh và bảo vệ bản thân ở mọi lúc, mọi nơi.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thực đơn

Bữa sáng:

Bữa trưa:

Bữa xế:

Bữa chiều:

Văn bản mới

KH số 14/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 13/03/2024. Trích yếu: Phổ biến GDPL năm 2024

Ngày ban hành: 13/03/2024

KH số 12/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/03/2024. Trích yếu: thực hiện PC tội phạm, TNXH...

Ngày ban hành: 12/03/2024

CV số 44/PGDĐT-THCS

Ngày ban hành: 12/03/2024. Trích yếu: Dạy thêm, học thêm...

Ngày ban hành: 12/03/2024

CV số 36/PGDĐ

Ngày ban hành: 01/03/2024. Trích yếu: Đánh giá Thư viện

Ngày ban hành: 01/03/2024

CV số 35/PGDĐT

Ngày ban hành: 01/03/2024. Trích yếu: Cuộc thi trực tuyến

Ngày ban hành: 01/03/2024

Video Clips

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,557
  • Tháng hiện tại29,845
  • Tổng lượt truy cập1,192,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây